Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Thay đổi để thúc đẩy phát triển bền vững
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Thay đổi để thúc đẩy phát triển bền vững
1. Tăng trưởng sản lượng: Sản lượng tăng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
- Dự báo nhu cầu điện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi mục tiêu tăng trưởng GDP được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, tăng trưởng GDP được đặt mục tiêu vượt 8% vào năm 2025, và đạt mức trung bình khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2026–2030. Điều này kéo theo mức tăng nhu cầu điện khoảng 1.4 lần so với hiện tại, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10.3% đến 12.5% mỗi năm.
2. Mở rộng năng lượng tái tạo, khôi phục điện hạt nhân
- Theo nội dung Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, để vừa đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng gia tăng, vừa thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đang chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững. Cụ thể, định hướng chiến lược là gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và từng bước phát triển các nguồn năng lượng xanh mới như hydro và ammoniac xanh. Song song với đó, các nhà máy điện than sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình, trong khi điện khí và điện LNG sẽ được mở rộng với quy mô hợp lý nhằm bảo đảm ổn định hệ thống.
3. Hệ thống lưu trữ năng lượng hỗ trợ mở rộng năng lượng tái tạo
- Bản sửa đổi của Quy hoạch điện VIII đã thể hiện sự quyết tâm trong định hướng phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, với việc nâng tổng công suất quy hoạch các nguồn này lên mức từ 74,048 MW đến 114,144 MW vào năm 2030. Đến năm 2050, tổng công suất dự kiến đạt 498,364 – 533,704 MW, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 75%. Trong đó, điện gió ngoài khơi được kỳ vọng sẽ gần như tăng gấp đôi vào năm 2050, còn điện mặt trời được điều chỉnh tăng mạnh đến 470% vào năm 2030 và 75% vào năm 2050.
- Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vẫn tồn tại những hạn chế cố hữu, đặc biệt là tính không ổn định do phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Trong bối cảnh đó, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (battery storage) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò then chốt, với kế hoạch mở rộng đáng kể trong tương lai nhằm khắc phục tính gián đoạn của điện gió và điện mặt trời, đồng thời nâng cao độ tin cậy cho lưới điện khi tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng gia tăng.
4. Điện hạt nhân được tái khởi động
-
Trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện truyền thống có những hạn chế cả về hiệu suất vận hành lẫn tác động môi trường, Chính phủ Việt Nam đã chính thức đề xuất tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân (vừa được Quốc hội khóa XV thông qua). Động thái này không chỉ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn, mà còn được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
5. Dần loại bỏ điện than và hạn chế phụ thuộc vào nhiệt điện khí
-
Mặc dù công suất lắp đặt của các nhà máy điện than được dự báo sẽ tăng nhẹ khoảng 3% vào năm 2030, nhưng loại hình phát điện này vẫn được hoạch định sẽ dừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2050, phản ánh cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong lộ trình giảm phát thải và chuyển dịch năng lượng. Trong khi đó, vai trò của điện khí – đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) – đang được tái cấu trúc theo hướng sử dụng có chọn lọc trong trung và dài hạn, như một giải pháp chuyển tiếp trước khi hệ thống năng lượng sạch đủ khả năng thay thế hoàn toàn.
6. Phát triển lưới điện để đảm bảo hoạt đồng truyền tải
-
Khu vực miền Trung – với lợi thế sở hữu lượng điện dư thừa lớn từ các dự án năng lượng tái tạo và truyền thống – được xác định là trung tâm cung ứng điện và công suất dự phòng chiến lược cho cả hai miền Bắc và Nam thông qua hệ thống truyền tải liên vùng. Nhu cầu truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc sẽ tăng mạnh, phản ánh sự tái phân bổ năng lượng giữa các vùng để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao tại các trung tâm công nghiệp và đô thị lớn, đồng thời bảo đảm ổn định lưới điện quốc gia trong dài hạn.
7. Nhu cầu vốn đầu tư tăng cao
-
Theo Quy hoạch điện VIII ban đầu, tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021–2030 được ước tính vào khoảng 134.7 tỷ USD, trong đó 119.8 tỷ USD dành cho phát điện và 14.9 tỷ USD cho phát triển hạ tầng truyền tải điện – tương đương khoảng 13.5 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong bản cập nhật mới nhất của QHĐ VIII điều chỉnh, tổng vốn đầu tư đã tăng đáng kể lên 136.3 tỷ USD chỉ trong giai đoạn 2026–2030, với 118.2 tỷ USD cho phát điện và 18.1 tỷ USD cho truyền tải. Con số này tương ứng với mức đầu tư trung bình hàng năm lên đến 27.3 tỷ USD, tăng gấp đôi (102%) so với ước tính ban đầu.
8. Tác động lên các doanh nghiệp
-
QHĐ VIII sửa đổi và các nghị định mới ban hành dự kiến tạo ra tiềm năng tăng trưởng đáng kể cho các công ty phát điện. Đồng thời, những thay đổi về mặt chính sách này tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thúc đẩy các dự án hạ tầng điện và phát triển năng lượng tái tạo. GEG, REE sẽ được hưởng lợi lớn từ chính sách hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ. POW được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu điện ngày càng tăng và dự kiến nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ được đưa vào vận hành trong nửa cuối năm 2025. TV2, PC1 sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường phát triển điện gió, khi đây là các nhà thầu xây dựng, tư vấn thiết kế nổi bật.
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
