Báo cáo đánh giá tác động của thuế đối ứng
Báo cáo đánh giá tác động của thuế đối ứng
1. Tổng quan về hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2024
Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng 14.3% và 16.7% (so với mức giảm 4.6% và 9.2% ở cùng kỳ năm 2023). So với các quốc gia trong khu vực, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là vượt trội khi mà Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc chỉ tăng lần lượt 9.9%, 8.1%, 5.8%. Việt Nam cũng đẩy mạnh thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc, theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 23% và kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 29%. Từ đó thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ và thâm hụt thương mại với Trung Quốc đều đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, tăng lần lượt 26% và 66%.
2. Sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) của Mỹ đối với các đối tác
Tháng 3/2025, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp thuế, có thể chỉ tập trung vào “Dirty 15” – các quốc gia vi phạm theo hai tiêu chí: (1) Khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn; (2) Áp đặt thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Mỹ.
(1) Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
(2) Việt Nam đang đánh thuế nhập khẩu trung bình cao hơn khoảng 7% so với mức thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp dụng.
Theo đó, chúng tôi cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị đưa vào danh sách các nước bị áp Thuế đối ứng do vi phạm cả hai tiêu chí trên.
3. Khả năng ảnh hưởng tới từng ngành
Để ước tính tác động tiềm năng của chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, chúng tôi phân tích các mức thuế suất của hai quốc gia lên một số mặt hàng chính. Theo đó, các mặt hàng máy móc, thiết bị điện tử và đồ gỗ sẽ dễ bị tổn thương nhất do chênh lệch mức thuế suất của hai quốc gia là khá cao. Trong khi đó, các mặt hàng như dệt may, giày dép, thép và nhôm có mức thuế suất hiện hành của Việt Nam cho các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ về cơ bản tương đương mức thuế suất của Mỹ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam.
Dựa trên các sự kiện quá khứ, có thể thấy Tổng thống Trump vẫn sẽ sử dụng chính sách thuế quan như một công cụ đàm phán để giành lợi thế từ các đối tác thương mại. Do đó, trong trường hợp bị Mỹ cho vào danh sách bị áp thuế đối ứng, Việt Nam vẫn có thể giảm thiểu tác động tiêu cực bằng việc chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn về chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ.
Trong trường hợp Việt Nam thoát khỏi mức thuế quan cứng rắn từ Hoa Kỳ, thì việc đảo lộn thương mại toàn cầu do cuộc chiến thương mại rộng lớn của Tổng thống Trump vẫn có thể gây ra những tác động tiêu cực lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Báo cáo liên quan
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
