Bản tin TTCK & TTT Năng lượng tuần 06.02 - 10.02
Bản tin TTCK & TTT Năng lượng tuần 06.02 - 10.02
Thị trường Năng lượng :
•Giá dầu Brent, WTI: Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 7,8%, dầu WTI giảm 7,9%. Tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 1/2023 tăng mạnh, trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi, song tiền lương tăng khiêm tốn sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dễ dàng hơn trong việc chống lạm phát.
•Giá khí tự nhiên: Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 2% xuống mức thấp nhất 25 tháng, do dự báo thời tiết mùa đông trong hơn 2 tuần tới ôn hòa hơn so với dự kiến trước đó và nhu cầu sưởi ấm giảm. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn New York giảm 4,6 US cent tương đương 1,9% xuống 2,41 USD/mmBTU – thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên giảm 22,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022 (giảm 23%).
•Giá quặng sắt & HRC: Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm và có tuần giảm mạnh, khi các thương nhân đánh giá lại triển vọng nhu cầu tại nước sản xuất thép hàng đầu – Trung Quốc – và thận trọng, sau khi các nhà quản lý thị trường cảnh báo chống đầu cơ giá quá mức. Tồn trữ quặng sắt nhập khẩu tại 45 cảng lớn của Trung Quốc tăng lên 137,3 triệu tấn - cao nhất 4 tháng, tăng 5,2 triệu tấn tương đương 4% so với giai đoạn điều tra trước đó, số liệu điều tra giai đoạn 20-27/1/2023 của Mysteel cho biết.
•Giá vàng: Giá vàng giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần, sau số liệu việc làm của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, dấy lên mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất.Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 2,6% xuống 1.863,66 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 4/2023 trên sàn New York giảm 2,8% xuống 1.876,6 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 2,5% - tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022, khi giảm gần 100 USD trong 2 phiên giao dịch.
Chiến lược đầu tư:
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch khá giằng co, chỉ số VN-Index giảm 39.95 điểm (tương đương giảm 3.58%) và chốt tuần ở mốc 1,077.15 điểm. Tính chung cho cả tuần thì thanh khoản vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút lui khỏi thị trường. Nhìn chung, VN-Index chưa có sự cải thiện nhiều, so với mức giảm mạnh trước đó kèm thanh khoản tăng cao thì những tín hiệu hồi phục là khá yếu, chỉ số chỉ không giảm mạnh do lực cung đã tạm suy giảm. Thêm vào đó, độ rộng thị trường đang có sự suy giảm, số lượng cổ phiếu ở trong xu hướng tăng ngắn hạn đang giảm dần sau giai đoạn trở nên quá nóng. Các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VIC, VHM, MSN, VNM là những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Tính chung trên cả thị trường, khối ngoại mua ròng hơn 1,800 tỷ đồng, khối tự doanh tại các CTCK cũng mua ròng hơn 165 tỷ đồng.
Về mặt kỹ thuật: Trên đồ thị ngày, VN-Index kết phiên với một cây nến Doji với thanh khoản ở mức thấp cho thấy sự cân bằng tại vùng giá hiện tại, đây là điều dễ hiểu khi thị trường trải qua 2 phiên giảm mạnh trong tuần, tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái lưỡng lự và thận trọng. Tuy nhiên, điểm tích cực là thị trường vẫn đang giữ được mốc hỗ trợ 1,070 điểm, điều này phần nào đó sẽ giúp thị trường có một nhịp nghỉ và hạn chế kích hoạt các vị thế bán ra. Quan sát theo tuần, VN-Index kết tuần với cây nến Marubozu giảm với bóng nến dưới ngắn cho thấy bên bán vẫn đang kiểm soát tình hình và quán tính giảm có thể tiếp diễn ở tuần giao dịch tiếp theo. Hiện tại, vùng kháng cự của chỉ số sẽ là vùng 1,090 – 1,100 điểm; vùng hỗ trợ của chỉ số là vùng 1,060 – 1,070 điểm. Trong kịch bản tích cực, dòng tiền tham gia mua lên trở lại thì chỉ số có thể tiến lên kiểm nghiệm vùng kháng cự.
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
