Bản tin TTCK & TT Năng lượng tuần 19.12 - 23.12
Bản tin TTCK & TT Năng lượng tuần 19.12 - 23.12
Bản tin Năng lượng :
•Giá dầu Brent, WTI: Chốt phiên giao dịch ngày 16/12, dầu thô Brent giảm 2,17 USD tương đương 2,4% xuống 79,04 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 1,82 USD tương đương 2,4% xuống 74,29 USD/thùng. Tuy nhiên, cả hai loại dầu đều có tuần tăng, giá dầu Brent có tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 10/2022. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất hơn nữa trong năm tới, ngay cả khi nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Ngân hàng trung ương Anh và ngân hàng trung ương châu Âu cũng tăng lãi suất để chống lại lạm phát.
•Giá khí tự nhiên: Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm 5%, do dự báo thời tiết ít lạnh và nhu cầu sưởi ấm đến cuối tháng 12/2022 thấp hơn so với dự kiến trước đó. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn New York giảm 37 US cent tương đương 5,3% xuống 6,6 USD/mmBTU. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá khí tự nhiên tăng 6%, sau khi giảm 1% trong tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 76%, do giá khí đốt toàn cầu tăng cao.
•Giá quặng sắt & HRC: ANZ điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 từ 4,2% lên 5,4%, do việc nới lỏng các hạn chế sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước về lâu dài. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay có thể kéo dài thời kỳ suy thoái trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc và lĩnh vực xây dựng trong mùa đông chậm lại, đã hạn chế nhu cầu quặng sắt trong ngắn hạn.
•Giá vàng: Giá vàng có tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 11/2022, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết sẽ tăng lãi suất nhiều hơn để kiềm chế lạm phát. Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,8% lên 1.791,59 USD/ounce, song có tuần giảm 0,3%. Vàng kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn New York tăng 0,7% lên 1.800,2 USD/ounce. Nhà phân tích cao cấp Edward Moya thuộc OANDA cho biết: “Các thương nhân đang tập trung vào Fed và ECB, điều này cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng đáng kể. Đó là nguyên nhân tại sao vàng có tuần giảm mạnh”.
Chiến lược đầu tư:
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có những diễn biến giao dịch giằng co và phân hóa lớn. Kết tuần, chỉ số VN-Index tăng 0.67 điểm (tương đương tăng 0.06%) và chốt tuần ở mức 1,051.81 điểm. Thanh khoản có xu hướng giảm dần cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư đang tăng dần lên. Độ rộng thị trường có sự thu hẹp và đà lan tỏa của dòng tiền có phần chững lại. Một số cổ phiếu thuộc nhóm ngành Ngân hàng và Thép như VCB, VPB, TCB và HPG là những mã có tác động tích cực đến chỉ số. Ngược lại, các cổ phiếu thuộc nhóm Vin như VHM, VIC, VRE là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất với chỉ số.
Về mặt kỹ thuật: Trên đồ thị ngày, VN-Index kết tuần với một cây nến Shooting Star với thanh khoản ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên, cho thấy sự thận trọng đến từ các nhà đầu tư và thị trường đang ở giai đoạn vận động không xu hướng. Điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1,000 - 1,030 chưa bị vi phạm và đây có thể là vùng nền giá vững chắc để thị trường chứng khoán Việt Nam chống chịu lại những tác động tiêu cực đến từ thị trường thế giới. Quan sát theo tuần, VN-Index kết tuần với cây nến giảm, tiếp tục tích lũy ở 1/3 thân cây nến tăng trước đó cho thấy thị trường đang tích lũy trở lại trong biên độ hẹp. Chỉ báo MACD đang hướng lên với động lượng dương xuất hiện nên nhìn chung có thể kỳ vọng thị trường sẽ có những nhịp tăng mới trong trung hạn sau. Hiện tại, vùng kháng cự của chỉ số sẽ là vùng 1,100 điểm; vùng hỗ trợ của chỉ số là vùng 1,000 – 1,030 điểm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể duy trì đà tăng và hướng lên đường trendline xu hướng giảm dài hạn của thị trường, tương đương vùng 1,100. Ngược lại, nếu lực bán chiếm ưu thế trở lại, khiến VN-Index rơi xuống dưới hỗ trợ MA20 tại vùng 1,025 điểm thì chỉ số có thể sẽ điều chỉnh sâu hơn, hướng về hỗ trợ tiếp theo quanh 1,000 – 1,010 điểm.
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
