Bản tin TTCK & Năng lượng tuần 18.04 - 22.04
Bản tin TTCK & Năng lượng tuần 18.04 - 22.04
Thị trường năng lượng :
•Giá dầu Brent. WTI: Dầu thô Brent tăng 2.92 USD tương đương 2.68% lên 111.7 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 2.7 USD tương đương 2.59% lên 106.95 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều có tuần tăng đầu tiên trong tháng 4/2022. Trong vài tuần qua, giá dầu biến động mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Thời báo New York đưa tin rằng, EU đang tiến tới việc áp dụng lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu của Nga, để Đức và các quốc gia khác có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Trong khi đó, các nhà kinh doanh lớn trên toàn cầu đang có kế hoạch hạn chế mua dầu thô và nhiên liệu từ các công ty dầu do nhà nước Nga kiểm soát trong tháng 5/2022.
•Giá khí tự nhiên: Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 4% lên mức cao mới 13 năm, do tồn trữ thấp hơn so với bình thường và sản lượng khí tự nhiên của Mỹ giảm. Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn New York tăng 30.3 US cent lên 7.3 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 10/2008. Tính chung cả tuần, giá khí tự nhiên tăng 16% - tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2020.
•Giá quặng sắt & HRC: Giá thép tại Trung Quốc tăng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm các biện pháp kích thích của chính phủ để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 0.6% lên 5,004 CNY (786 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 0.6% lên 5,160 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 0.8% lên 19,830 CNY/tấn. Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 tăng 0.1% lên 902 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 2 USD xuống 152 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết.
•Giá vàng: Giá vàng giảm sau khi đồng USD tăng mạnh và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, song nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn được thúc đẩy bởi khủng hoảng Ukraine và lạm phát, khiến vàng có tuần tăng. Tính từ đầu tuần đến nay giá vàng tăng 1.3% và có tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát tăng, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn giữ nguyên kế hoạch quay lại các biện pháp kích thích trong năm nay, một động thái được coi là ít quyết liệt hơn khi đối mặt với lạm phát tăng mạnh.
Chiến lược đầu tư:
Trong tuần vừa qua, thị trường tiếp tục có những diễn biến khá tiêu cực. Chỉ số VN-Index giảm 23.44 điểm (tương đương giảm 1.6%) và chốt tuần ở mức 1,458.56 điểm. Thanh khoản tiếp tục giảm sút cho thấy dòng tiền chưa có sự lan tỏa và chỉ tập trung ở một số cổ phiếu nhất định, tâm lý của nhà đầu tư đang tỏ ra khá thận trọng và chưa tham gia mở vị thế mua lên nhiều.
Hiện tại, các cổ phiếu thuộc nhóm VNDiamond đang thu hút được dòng tiền, ngược lại dòng tiền vẫn đang rút khỏi nhóm cổ phiếu Small Caps và Mid Caps và nhiều cổ phiếu đang có những nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Độ rộng thị trường ở trạng thái không quá tích cực, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Tài chính (Ngân hàng, Chứng khoán), Bất động sản đã có những tác động tiêu cực lên chỉ số. Trong khi đó, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành Bán lẻ, Công nghệ thông tin và Tiện ích đang dẫn dắt thị trường và mang lại sự kỳ vọng cho nhà đầu tư.
Về mặt kỹ thuật, trên đồ thị ngày, chỉ số VN-Index vẫn đang duy trì được nền giá trong kênh sideway up kéo dài từ tháng 11/2021. Chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống với động lượng âm gia tăng nên chưa có nhiều sự tích cực. Trên đồ thị tuần, cây nến tuần là một cây nến giảm và tiếp tục đóng cửa dưới đường trung bình động MA20 cho thấy áp lực bán mạnh. Điểm tích cực là thanh khoản giảm cho thấy thị trường đã qua vùng bán đỉnh điểm và đang dần ổn định ở vùng tích lũy. Hiện tại, vùng hỗ trợ của chỉ số sẽ là vùng 1,440 - 1,455 điểm và vùng kháng cự là vùng 1,480 – 1,490 điểm.
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
