Hotline 0243 9872 888 Đăng ký Tài khoản

Bản tin chứng khoán tuần từ 17.06 đến 21.06.2013

Bản tin chứng khoán tuần từ 17.06 đến 21.06.2013

3 năm trước ・ 21/06/2013

Trong tuần qua các số liệu kinh tế tháng 6 vẫn chưa được công bố hết, chỉ hé lộ một số chỉ tiêu căn bản, đáng chú ý: (i) Nhập siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1,9 tỷ USD, mức khá thấp và chỉ bằng 63% mức ước đoán trước đó; (ii) CPI tp.HCM tăng 0.12% (mom), Hà Nội CPI tăng nhẹ 0.08% (mom). CPI tại hai thành phố lớn nếu so sánh với cùng kì năm ngoái có mức tăng khá mạnh, tuy nhiên điều này là do CPI tháng 6/2012 âm – một diễn biến không theo tính chu kì trong năm 2012. Mức tăng CPI của hai thành phố lớn như vậy là khá thấp, chủ yếu ảnh hưởng tăng bởi nhóm thực phầm, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình trong dịp đầu hè. Điều này ít có khả năng tác động tới tâm lý thị trường trong tuần tới.

Tuần qua tỷ giá tiếp tục tăng và trở thành một diễn biến đáng chú ý. Đã có thời điểm một số ngân hàng mua đôla Mỹ trên 21.000 đồng/USD, bán ra kịch trần 21.036 đồng. Còn trên thị trường tự do, USD đã có lúc vượt 21,2. Theo đại diện của NHNN thì hiện tượng gia tăng tỷ giá thời gian vừa rồi chủ yếu do chính các ngân hàng tạo ra chứ không phải do thị trường. Thanh khoản các NH đang khá dồi dào trong khi chưa thể đẩy mạnh cho vay, một số NH đã đẩy mạnh mua vào ngoại tệ khiến nhu cầu tăng. Ngoài ra, khi chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD giảm đi đáng kể cũng có những tác động nào đó khiến nhu cầu USD có chiều hướng tăng. Chúng tôi cho rằng tạm thời diễn biến tỷ giá vẫn chưa đáng ngại. Ngoài việc có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào để có thể can thiệp bình ổn tỷ giá thì theo báo giới, đại diện NHNN cũng “gợi mở” về khả năng xem xét hạ trần lãi suất USD…

Diễn biến đáng chú ý trong tuần qua và có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chủ yếu liên quan tới các biến động tiêu cực trên TTCK thế giới và các giao dịch mạnh đột biến trong những ngày cuối cùng của kì review định kì của các etfs. Chúng tôi đánh giá tăng dần mức độ ảnh hưởng của diễn biến các thị trường chứng khoán trên thế giới đối với thị trường trong nước. Thực tế trong 1 năm gần đây, các diễn biến tăng giảm cường độ mạnh trên chứng khoán Mỹ - Âu có ảnh hưởng rất mạnh tới dòng tiền vào ra 2 quĩ etfs lớn (FTSE VietNam Index niêm yết trên 10 sàn, trong đó có 8 sàn châu Âu và 2 sàn châu Á là Hồng Kong và Singapore; và Market Vector VietNam Index niêm yết trên NYSE) và các ảnh hưởng thậm chí có thể tác động tới TTCK Việt Nam với tốc độ khá nhanh qua cơ chế quĩ mở etfs.Trong phiên đêm hôm qua, Market Vector có mức chiết khấu thấp kỉ lục -3.9%.

Trong tuần, khối ngoại bán ròng hơn 35.3 triệu đơn vị trên HSX, giá trị bán ròng tới 755.7 tỷ đồng. Tính riêng FTSE VietNam UCIT chúng tôi ước tính giá trị bán ròng của quĩ này đã hơn 450 tỷ đồng chiếm gần 60% lượng bán ròng toàn thị trường. Các giao dịch mua ròng trên HNX tập trung vào VCG, PVX, PVS, chủ yếu liên quan tới việc thay đổi tỷ trọng của VNM etf. Riêng phiên cuối tuần, khối ngoại bán ròng hơn 18 triệu đơn vị trên HSX (ngày cuối cùng của kì review) và thanh khoản phiên hôm nay có tăng nhưng không đến từ dòng tiền trong nước.

Trong tuần tới thanh khoản thị trường có khả năng sẽ giảm đáng kể khi không còn các giao dịch mạnh của etfs, điều này sẽ ảnh hưởng tới xu thế ngắn hạn của thị trường. Thị trường đang dao động trong một khu vực thiếu hụt thông tin hỗ trợ và có vẻ như đang phần nào chịu ảnh hưởng của diễn biến TTCK toàn cầu. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng trong ngắn hạn và cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên hoặc tăng vị thế tiền mặt.

Báo cáo liên quan

14 giờ trước ・ 06/05/2024
3 ngày trước ・ 03/05/2024
4 ngày trước ・ 02/05/2024
1 tuần trước ・ 26/04/2024
1 tuần trước ・ 25/04/2024

Tin tức liên quan

Xem tất cả

Bạn cần tư vấn bởi chuyên gia?

Họ và tên không hợp lệ!
Số điện thoại không hợp lệ!
img-brand-mark-flame