Hotline 0243 9872 888 Đăng ký Tài khoản

Tuần 'u ám' của cổ phiếu ngân hàng, vẫn có mã tăng trên 70%

Tuần 'u ám' của cổ phiếu ngân hàng, vẫn có mã tăng trên 70%

4 năm trước ・ 14/04/2018

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch đầy khó khăn. Tâm lý thận trọng và tiêu cực đã bao trùm lên thị trường trước bất ổn từ tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới.
 
Mới đây nhất, thông tin khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thị trường là việc Mỹ dự định trừng phạt chính quyền al-Assad vì vụ tấn công hóa học khiến hàng chục người thiệt mạng. Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện, thị trường đã ghi nhận một phiên sụt giảm mạnh hơn 31 điểm (-2,59%). Mặc dù có sự hồi phục ngay sau đó tuy nhiên trong phiên cuối tuần, sự tiêu cực tiếp tục diễn ra và áp lực bán mạnh tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đã khiến thị trường tiếp tục rung lắc mạnh.
 
Kết thúc tuần, VN-Index đứng ở 1.157,14 điểm, giảm 42,82 điểm (-3,57%) so với tuần trước. HNX-Index cũng giảm mạnh 4,68 điểm (-3,39%) xuống 133,34 điểm. UPCoM-Index dù không có phiên nào giảm sốc nhưng chỉ số này đã giảm trọn vẹn trong cả 5 phiên giao dịch. Tính chung cả tuần, chỉ số này giảm 1,32 điểm (-2,1%) xuống còn 5,32 điểm.
 
Thống kê hai sàn niêm yết trong tuần đã có 411 mã giảm giá trong khi chỉ có 170 mã tăng giá và 131 mã đứng giá. Còn riêng sàn UPCoM, số mã giảm cũng nhỉnh hơn với 205, trong khi số mã tăng là 146.
Tâm điểm của thị trường tuần qua tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trên cả ba sàn niêm yết ghi nhận 7 cổ phiếu ngân hàng giảm giá, trong đó có mã giảm đến 10% là MBB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội. Cổ phiếu này trong tuần đã rơi từ 36.600 đồng/CP xuống chỉ còn 33.100 đồng/CP, trong đó, phiên cuối tuần ghi nhận mức giảm mạnh nhất lên đến 4,9%. Bên cạnh đó, VCB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng bất ngờ ghi nhận mức giảm đến 8%.
 
Chiều ngược lại, hai cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh ở tuần này là HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh và VIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam. HDB xứng đáng là ngôi sao sáng của nhóm ngân hàng khi tăng mạnh 8% trong tuần.
 
Còn nhìn tổng thể toàn thị trường, biên độ giảm của các cổ phiếu trong tuần qua cũng không quá mạnh. Tại sàn HOSE, dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu TLD của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long với 20,15%. Tiếp sau đó là ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros với 19%. Mặc dù có phiên tăng trần vào cuối tuần nhưng cũng không thể cứu được ROS tránh khỏi một tuần giao dịch 'thảm hại', và đây cũng là nguyên nhân khá lớn khiến thị trường chịu áp lực rung lắc mạnh.

Ở sàn HNX, cổ phiếu V21 của Công ty Cổ phần VINACONEX 21 dẫn đầu danh sách giảm với 33,3%. Bên cạnh đó, hai cổ phiếu SJC của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 và PCG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Gas Đô Thị đều có mức giảm trên 20%.
 
Trong khi đó, sàn UPCoM ghi nhận đến 8 cổ phiếu giảm giá trên 30%. Tuy nhiên, việc biên độ sàn này là +/-15%/phiên nên điều này cũng không mấy bất ngờ. Dẫn đầu về mức độ giảm giá là cổ phiếu BQB của Công ty Cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình. Tuy chỉ giao dịch duy nhất một phiên vào ngày 11/4, nhưng giá cổ phiếu BQB đã giảm 39,3%.
 
Còn ở chiều tăng giá, dù đã có một tuần khá khó khăn nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhiều cổ phiếu có mức tăng giá sốc, nhưng chỉ tập trung nhiều tại sàn HNX và UPCoM, trong khi biên độ tăng giá tại sàn HOSE là khá thấp. Dẫn đầu danh sách tăng giá sàn HOSE là cổ phiếu TYA của Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam với chỉ 15,4%.
 
Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM ghi nhận các cổ phiếu tăng giá trên 50% thậm chí là hơn 70%. Cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất thị trường là L63 của CTCP Lilama 69-3. Cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp và 1 phiên đứng giá. Tính tổng cộng, L63 đã tăng trên 72% chỉ sau 1 tuần. Các cổ phiếu tăng giá trên 50% còn có HSI, VGR, SDG, KIP và NPS.


Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tin tức liên quan

Xem tất cả

Bạn cần tư vấn bởi chuyên gia?

Họ và tên không hợp lệ!
Số điện thoại không hợp lệ!
img-brand-mark-flame