21/4: 'Mưa sao băng' Đại hội ngân hàng và những mối duyên
21/4: 'Mưa sao băng' Đại hội ngân hàng và những mối duyên
Ngày hôm nay (21/4), khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày là tới hạn cuối tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của năm 2018, đồng loạt nhiều doanh nghiệp và nhà băng cùng tiến hành sự kiện họp mặt các cổ đông. Trong đó, riêng hệ thống ngân hàng, có tới 4 nhà băng cùng tổ chức Đại hội là VietinBank, HDBank, PGBank trong buổi sáng và BIDV vào buổi chiều.
Tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã BID-HoSE) vừa mới được bổ sung thêm mới đây với một nội dung mới đáng chú ý là sự trở lại chính thức của ông Phạm Quang Tùng ở vai trò thành viên HĐQT nếu được cổ đông bầu thông qua. Sở dĩ phải gọi là "sự trở lại" bởi ông Tùng từng là một trong các Phó Tổng giám đốc của BIDV, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Bảo hiểm BIDV, một đơn vị thành viên của ngân hàng. Ông có 10 năm công tác tại ngân hàng trước khi chuyển sang đảm nhận vị trí Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) từ 1/6/2016.
Quyết định ông Phạm Quang Tùng thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT VDB để chuyển công tác về làm việc tại BIDV được Thủ tướng ban hành từ cách đây 4 tháng, vào ngày 4/12/2017.
Nhân sự HĐQT của BIDV đến nay chưa thật sự hoàn chỉnh khi chiếc ghế Chủ tịch của nhà băng này vẫn đang bị bỏ trống kể từ khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu hồi tháng 9/2016. Trong một năm rưỡi qua, ông Trần Anh Tuấn đảm nhận vị trí Ủy viên phụ trách HĐQT tuy nhiên nhiều khả năng ông sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu khi đã ở tuổi 60 vào tháng 4 vừa qua.
BIDV hoàn tất các kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2017 nhưng mục tiêu tăng vốn vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Có nhiều đồn đoán về thương vụ bán vốn với một định chế tài chính Hàn Quốc nhưng đến nay giao dịch vẫn chưa được hiện thực hóa. Đây chắc chắn cũng sẽ là một trong các nội dung được các cổ đông quan tâm hàng đầu khi hệ số CAR riêng lẻ của ngân hàng đang ở mức 9,01%.
Trong khi đó, ngay sáng nay, ĐHĐCĐ của bộ ba ngân hàng sẽ họp cùng một thời điểm.
Khác với các ngân hàng khác, Ngân hàng TMCP Xăng đầu (PGBank) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường với nội dung chính là trình cổ đông thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng. Dù nhà băng này chưa công bố tài liệu trước thềm Đại hội nhưng một trong các nội dung bàn tới sẽ là hủy phương án sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Mối duyên bắt đầu từ tháng 5/2015 này đang được tạm dừng và chỉ cần sự đồng ý của cổ đông hai bên sẽ chấm dứt.
Tương tự, tại Đại hội của VietinBank, một trong các tờ trình gửi tới các cổ đông là xin chấm dứt giao dịch sáp nhập PGBank vào VietinBank. Theo các tài liệu công bố, VietinBank trình cổ tức 2017 ở mức 5%-7%. Kế hoạch kinh doanh cũng chưa có một con số cụ thể về mục tiêu lợi nhuận. Tăng trưởng tín dụng và huy động dân cư kế hoạch là 14% và 10-14%.
Vì PGBank chưa công bố tài liệu Đại hội nên chưa có thông tin chính thức về con đường của PGBank sau mối duyên đứt gánh với VietinBank. Tuy vậy, đã có nhiều đồn đoán trên thị trường về việc PGBank sẽ về một nhà với Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank). Vấn đề này có sẽ được giải quyết rõ hơn tại Đại hội của cả hai ngân hàng.
Nhưng khả năng thương vụ sáp nhập đình đám xảy ra là khá cao khi nhìn lại lịch sử HDBank đã từng rất thành công khi phát triển thông qua M&A. Cái bắt tay giữa HDBank và ngân hàng Đại Á có thể coi là một trong những thương vụ sáp nhập thành công nhất giữa hai ngân hàng. Tiếp đó, năm 2013, nhà băng này tiếp tục sáp nhập công ty tài chính, qua đó thành lập nên HD Saison khai thác mảng cho vay tiêu dùng thu về 520 tỷ đồng trong năm 2017. Website HDBank hiện đã rút lại các tài liệu họp đã công bố trước đó.
Có thể sẽ có những bất ngờ đáng theo dõi trong ngày 'mưa sao băng' đại hội ngân hàng hôm nay!
THANH THỦY
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
Tin nổi bật
Tin tức liên quan
Xem tất cảBạn cần tư vấn bởi chuyên gia?
